ĐOÀN KẾT - KỶ CƯƠNG - KHẨN TRƯƠNG - AN TOÀN - HIỆU QUẢ                                                                                                                                                                     

 

video

The player will show in this paragraph

LIÊN KẾT WEB

BAN CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ

 

1.     Chức năng:

Tham mưu tổ chức thực hiện, quản lý: công tác chuẩn bị đầu tư, xúc tiến đầu tư các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị do Ban làm chủ đầu tư (trừ các đoạn tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 và các dự án khác liên quan tuyến số 1, số 2 đã phê duyệt dự án đầu tư); dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực quản lý cho Công ty Đường sắt đô thị nhằm triển khai vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên” (dự án TC2); dự án “Tăng cường mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1, Bến Thành – Suối Tiên”; tổ chức tiếp nhận, thực hiện các dự án kết nối nhà ga; các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án đầu tư theo phân công của Trưởng ban từ khi có chủ trương chấp thuận đầu tư của cấp có thẩm quyền cho đến khi được phê duyệt; công tác nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn chung, tổng thể nhằm phục vụ đầu tư, khai thác vận hành hệ thống đường sắt đô thị.

2.     Nhiệm vụ:

2.1. Công tác quản lý các dự án - Giai đoạn chuẩn bị đầu tư và các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật:

a) Chủ trì lập đề cương, dự toán chi phí công tác khảo sát, đánh giá tác động môi trường, lập dự án đầu tư trình lãnh đạo Ban hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện việc lập dự án đầu tư đảm bảo phù hợp theo quy định đảm bảo phù hợp quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và đề cương được phê duyệt; tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác khảo sát, thẩm tra hồ sơ do tư vấn lập (khi có đủ điều kiện năng lực) để Ban trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

c) Chủ trì tổ chức bàn giao hồ sơ mốc giới các tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho địa phương để tham khảo quản lý quy hoạch. Chủ trì tổ chức triển khai cắm mốc giải phóng mặt bằng bàn giao cho địa phương làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng.

d) Chủ trì lập đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư (trong trường hợp thuộc thẩm quyền chủ đầu tư); chủ trì lập và trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.

e) Chủ trì tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật theo phân công đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và cam kết với nhà tài trợ.

f) Chủ động làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để lấy ý kiến góp ý hoặc thỏa thuận các vấn đề của dự án có liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương và các cơ quan khác theo quy định, tổng hợp đưa vào dự án trước khi trình duyệt.

2.2. Công tác tổ chức thực hiện dự án:

a) Chủ trì tham mưu quyết định những thông số kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng đảm bảo hiệu quả trong vận hành, khai thác và bảo dưỡng các tuyến đường sắt đô thị được giao quản lý.

b) Chủ trì tham mưu kiến nghị cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần giải quyết của các dự án được giao để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện.

c) Chủ trì quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư được giao có hiệu quả, tham mưu xây dựng các thỏa thuận vay mới, điều chỉnh của dự án. Đề xuất cơ chế tài chính đối với vốn vay.

d) Chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư được Trưởng ban giao nhiệm vụ hoặc uỷ quyền về quản lý thực hiện dự án bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành và cam kết với nhà tài trợ.

e) Tham mưu thực hiện các thủ tục giao nhận đất, xin cấp phép xây dựng, chuẩn bị mặt bằng xây dựng và các công việc khác phục vụ cho việc xây dựng công trình.

f) Tham mưu quản lý tư vấn, nhà thầu thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng.

g) Tiếp xúc, làm việc với chính quyền, ban, ngành địa phương, các tổ chức, cá nhân để giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, lấy ý kiến góp ý hoặc thỏa thuận để triển khai các công tác di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và các vấn đề có liên quan đến các dự án được giao quản lý.

h) Liên hệ, phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành, nhà thầu, Tư vấn có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự án được giao nhằm hỗ trợ công tác quản lý dự án.

i) Phối hợp phòng Kế hoạch – Hợp đồng lập danh mục kế hoạch vốn để trình phê duyệt.

j) Phối hợp Văn phòng thực hiện các hình thức thông tin, tuyên truyền các tuyến đường sắt đô thị (trừ tuyến số 1, số 2).

2.3. Công tác lựa chọn nhà thầu:

Đại diện bên mời thầu các gói thầu của dự án do Ban Chuẩn bị đầu tư phụ trách, quản lý.

a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và lãnh đạo Ban về quá trình lựa chọn nhà thầu theo chức năng nhiệm vụ được giao.

b) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

c) Yêu cầu nhà thầu làm rõ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong quá trình đánh giá hồ sơ.

d) Trình duyệt kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu.

e) Bảo mật các tài liệu có liên quan trong quá trình xử lý và tổ chức lựa chọn nhà thầu tại đơn vị mình.

f) Bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

g) Đề xuất cho Chủ đầu tư (Ban Quản lý Đường sắt đô thị) về các thành viên tham gia trong công tác lựa chọn nhà thầu.

h) Cung cấp các thông tin mời thầu cho phòng Kỹ thuật - Đấu thầu đăng Báo đấu thầu và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.

2.4. Công tác quản lý chất lượng thiết kế:

a) Chủ trì tham mưu, có ý kiến yêu cầu nhà thầu thiết kế giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ thiết kế trên cơ sở ý kiến thẩm tra, đánh giá của cơ quan có thẩm quyền.

b) Chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, lưu trữ hồ sơ từ khâu khảo sát, thiết kế cho đến hoàn công theo đúng quy định.

c) Kiểm soát, báo cáo, tổng hợp trình cơ quan chuyên môn thẩm định, trình Trưởng ban phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán. Theo dõi, liên hệ cơ quan chuyên môn để sớm có kết quả thẩm định.

d) Trong quá trình thẩm định thiết kế, khi có yêu cầu của đơn vị thẩm định, tham mưu Ban thuê thẩm tra thiết kế phục vụ công tác thẩm định.

2.5. Công tác quản lý chất lượng:       

a) Chủ trì tham mưu xây dựng chương trình quản lý chất lượng công trình theo quy định của Nhà nước.

b) Chủ trì triển khai các biện pháp ứng cứu, xử lý vấn đề phát sinh khi có sự cố công trình xảy ra trong quá trình thi công.

c) Chủ trì về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

d) Thực hiện nhiệm vụ giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định (khi có đủ điều kiện và năng lực). Đình chỉ việc thực hiện các công việc xây dựng nếu chất lượng thi công không đúng tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật hoặc đảm bảo yêu cầu hồ sơ thiết kế đã được duyệt.

e) Theo dõi, kiểm tra chất lượng thi công, xác nhận tính pháp lý khối lượng hoàn thành và làm các thủ tục thanh toán, quyết toán hợp đồng đã ký kết; Trường hợp có khối lượng phát sinh, Ban Chuẩn bị đầu tư tham mưu lập các hồ sơ, thủ tục quy định và đề xuất giải quyết.

f) Kiểm tra nội dung, thành phần hồ sơ nghiệm thu trước khi trình hồ sơ nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng.

2.6. Công tác xúc tiến đầu tư:

a) Chủ trì tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động công tác xúc tiến đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Thành phố.

b) Tham mưu xây dựng phương án, tổng hợp danh mục các dự án cần kêu gọi đầu tư để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư; đề xuất tiếp nhận, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị Thành phố.

c) Phối hợp đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Thành phố từ khi quy hoạch được phê duyệt cho đến khi có chủ trương chấp thuận đầu tư của cấp có thẩm quyền.

d) Phối hợp, tham gia xây dựng văn kiện chương trình, dự án ODA phù hợp với quy định hiện hành và quy định của các nhà tài trợ.

2.7. Công tác quản lý thực hiện hợp đồng:

a) Chủ trì triển khai việc thực hiện hợp đồng liên quan đến dự án được giao quản lý (trừ các hợp đồng tư vấn kiểm toán do phòng Tài chính - Kế toán chủ trì).

b) Chịu trách nhiệm lập báo cáo công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định.

c) Theo dõi, quản lý, tổng hợp việc thực hiện các hợp đồng về tiến độ, khối lượng chi phí xây dựng, an toàn và vệ sinh môi trường… của công trình xây dựng theo quy định của Việt Nam, nhà tài trợ và thông lệ quốc tế đã được thống nhất áp dụng trong hợp đồng.

d) Báo cáo và đề xuất về các tình huống phát sinh và tranh chấp trong thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu của dự án được phân công phụ trách; phối hợp phòng, ban liên quan tham mưu phương án xử lý.

2.8. Công tác nghiên cứu quy chuẩn tiêu chuẩn chung, tổng thể nhằm phục vụ đầu tư, khai thác vận hành hệ thống đường sắt đô thị:

a)  Chủ trì nghiên cứu các định hướng chung về phát triển hệ thống đường sắt đô thị và phát triển đầu tư, cải tạo các khu đô thị dọc các tuyến đường sắt đô thị.

b) Chủ trì nghiên cứu đề xuất áp dụng các hệ thống quy chuẩn, khung tiêu chuẩn kỹ thuật chung về đường sắt đô thị để các nhà đầu tư khác nhau tham gia đầu tư xây dựng cho các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.

c)  Chủ trì nghiên cứu công tác chuẩn bị cho quá trình khai thác vận hành hệ thống đường sắt đô thị, đảm bảo tích hợp hiệu quả với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố như: mô hình khai thác, vận hành, bảo dưỡng hệ thống đường sắt đô thị, chính sách giá vé, hệ thống vé, hệ thống thanh toán, thông tin tín hiệu.

2.9. Công tác tổng hợp báo cáo:

Thực hiện chế độ báo cáo sơ kết định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu, các đơn vị liên quan và nhà tài trợ theo quy định. Lập và báo cáo kế hoạch sử dụng nhân sự nội bộ trong từng giai đoạn thực hiện dự án.

2.10. Chủ trì tham mưu, đề xuất việc thành lập, kiện toàn và làm nhiệm vụ thường trực các Tổ công tác, Tổ chuyên gia đấu thầu, Tổ thương thảo hợp đồng liên quan đến các công việc được phân công.

2.11. Quản lý tài sản của Ban Chuẩn bị đầu tư theo phân bổ. Tiếp nhận các tài sản dự án từ nhà thầu sau khi kết thúc các hợp đồng; quản lý hoặc bàn giao cho các đơn vị có liên quan theo đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

 

2.12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao.