NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI GIAO THÔNG CÔNG CỘNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CỦA CÁC THÀNH PHỐ TRÊN THẾ GIỚI
v Thành phố Seattle (Mỹ)
Chuyên đề “Định hướng thu hút hành khách cho xe buýt và thách thức trong việc cung cấp dịch vụ buýt công cộng đến nơi mật độ dân cư thấp”:
Thành phố Seattle là thành phố cảng nằm phía Bờ tây của nước Mỹ, thuộc thủ đô Washington, với dân số khoảng 3.87 triệu người. Hệ thống giao thông công cộng bao gồm 1 tuyến đường sắt nhẹ và hệ thống buýt (bao gồm buýt thường, cấp tốc và buýt địa phương đến các nơi ít dân cư). Theo số liệu năm 2017, để đi vào trung tâm thành phố, người dân đa số sử dụng giao thông công cộng chiếm 75% (trong đó, có 48% sử dụng đường sắt và buýt, các loại hình giao thông công cộng khác chiếm 27%), còn lại 25% sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Từ năm 2010 đến năm 2017, số lượng người dân sử dụng giao thông công cộng đã tăng đáng kể từ 16,192 hành khách/ngày tăng lên 73,232 hành khách/ngày. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân cũng giảm từ 35.2% xuống còn 25.4%. Người dân thành phố Seattle dần chuyển sang sử dụng giao thông công cộng do tiện lợi và nhanh chóng, tránh kẹt xe cũng như không cần bận tâm đến việc tìm nơi đỗ xe.
- Thách thức của thành phố: Mật độ dân số phân bố không đồng đều nên việc cung cấp dịch vụ giao thông công cộng đến những nơi mật độ dân số thấp còn nhiều hạn chế và cũng là thách thức lớn trong tương lai.
- Giải pháp thực hiện: Chính quyền thành phố Seattle đã có những giải pháp cấp bách như bố trí thêm các tuyến buýt nhánh kết nối với tuyến chính; nghiên cứu loại xe tự hành mini không người lái; xây dựng các chính sách làm việc từ xa nhằm tạo điều kiện cho người lao động ở xa có thể làm việc tại nhà; áp các biểu phí mới khi vào trung tâm thành phố để giảm ùn tắc giao thông, v.v…
v Thành phố Los Angeles (Mỹ)
Hệ thống giao thông của thành phố Los Angeles bao gồm đường sắt (với 4 tuyến đường sắt nhẹ và 2 tuyến metro ngầm, 93 nhà ga, lưu lượng 350.000 người ngày trong tuần) và hệ thống buýt (gồm 170 tuyến, 2.300 xe, 14.000 trạm dừng, lưu lượng khoảng 800.000 người ngày trong tuần). Theo ghi nhận trong 5 năm qua, lưu lượng hành khách của giao thông công cộng đã giảm khoảng 20%, nguyên nhân là mạng lưới xe buýt đã lỗi thời, chưa được nâng cấp trong 25 năm qua. Cụ thể năm 2017, khoảng 7% người sử dụng thường xuyên, 22% không liên tục, 55% không thường xuyên và 16% hiếm khi sử dụng. Căn cứ vào dữ liệu phân tích sử dụng thẻ thông minh của người dùng thì người đi giao thông công cộng thường xuyên sẽ có số lượng giao dịch từ 50 – 150/ tháng, người không liên tục có 10 – 50 giao dịch/tháng, người không sử dụng thường xuyên là dưới 10 giao dịch mỗi tháng và trường hợp hiếm khi sử dụng là từ 2 lần trở xuống. Trong đó:
+ Đối với số lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng thường xuyên thì 31% hành khách cho rằng phương tiện giao thông công cộng là tiện lợi (giá cả phải chăng, dễ sử dụng, thuận tiện đi lại, đúng giờ);
+ Đối với 32% hành khách sử dụng không liên tục thì cho rằng dịch vụ của giao thông công cộng cần cải thiện hơn (cụ thể giảm thời gian chờ trong giờ cao điểm từ 5-10 phút, không cao điểm từ 10-15p, yêu cầu đúng giờ hơn, thông tin xe chạy cần chính xác, giảm thời gian trung chuyển);
+ Những nguyên nhân chính không sử dụng giao thông công cộng vì cho rằng giao thông công cộng chậm do trung chuyển nhiều và phải sử dụng nhiều phương tiện mới đến được địa điểm mong muốn; không nắm rõ được thông tin nơi buýt kết nối với metro và các tuyến buýt di chuyển;
- Thách thức của thành phố:
i) Làm sao để thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng như là giải pháp giao thông chính trong khi thành phố Los Angeles đang đối mặt với ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu làm nhiệt độ ngày càng tăng;
ii) Làm thế nào để cân bằng đầu tư tài chính giữa việc cung cấp dịch vụ và việc xây dựng, bảo trì nhà ga, trạm dừng buýt.
- Giải pháp thực hiện:
+ Cần phải nâng cấp dịch vụ thường xuyên trước khi số lượng hành khách giảm do dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của hành khách;
+ Cần phải cân bằng giữa chi phí đầu tư và lợi ích của tăng số lượng hành khách sử dụng dịch vụ, khi đầu tư cần quan tâm đến nhu cầu thật sự của hành khách để tránh lãng phí và không hiệu quả. Điều này yêu cầu cần làm khảo sát chi tiết để có định hướng chính xác và thiết thực;
+ Vận dụng các giải pháp đòn bẫy đầu tư tài chính khác như phát triển giao thông công cộng có định hướng, liên kết các đối tác trong lĩnh vực giao thông để duy trì mức ổn định của nhu cầu giao thông, v.v…
v Thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập)
Thành phố Dubai có sự tăng trưởng về diện tích và dân số rất nhanh, từ 18 km2 và 100.000 dân số (1970) đã tăng lên 950 km2 và 3,19 triệu dân (2018) và dự kiến năm 2030 sẽ đạt 1.900 km2 và 5,2 triệu dân. Hệ thống giao thông công cộng gồm có 3 tuyến đường sắt (2 tuyến metro và 1 tuyến xe điện mặt đất, tổng chiều dài khoảng 85km và 58 nhà ga) và hệ thống xe buýt (có 1520 xe, 133 tuyến và 630 trạm buýt). Chính quyền thành phố Dubai đã cố gắng hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng để thu hút người dân sử dụng, tuy nhiên tỉ lệ sở hữu xe hơi vẫn còn rất cao chiếm 54,3%, tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng chỉ khoảng 17.5% (hằng năm tăng khoảng 1,2%) và sử dụng xe đạp khoảng 0.8%.
-Thách thức của thành phố:
Thành phố đối mặt với rất nhiều thách thức như:
i) Giới hạn về chính sách liên quan đến sở hữu xe cá nhân;
ii) Tỉ lệ sở hữu xe cá nhân cao;
iii) Yêu cầu cao về tăng số lượng mạng lưới giao thông công cộng;
iv) Chi phí cần thiết cho việc cải thiện không gian công cộng;
v) Điều kiện khí hậu khắc nghiệt tác động lựa chọn loại hình giao thông của người dân;
vi) Số lượng hành khách lớn đổ về từ các vùng lân cận;
vii) Vấn đề về mở rộng đô thị;
viii) Vấn đề để hành khách có thể đi tiếp nối từ metro sang buýt một cách liền mạch.
- Giải pháp thực hiện:
+ Tổ chức phối hợp lại các loại hình, phương tiện giao thông hiện có như Metro, xe điện mặt đất, buýt, taxi, xe đạp, lối đi và cầu bộ hành để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Lấy trạm metro là trung tâm để các phương tiện khác phục vụ hỗ trợ, đảm bảo hành khách có thể chuyển tiếp đến các phương tiện giao thông một cách liền mạch (áp dụng nguyên tắc chặng đầu và cuối), hay có thể tiếp cận nhà ga một cách dễ dàng nhất từ 500m đến 2000m. Áp dụng chỉ tiêu hành khách đi bộ đến nhà ga trung bình 9 phút (chiếm 88%) , hoặc dùng xe cá nhân (8%), tiếp cận bằng taxi (dưới 3%), bằng xe đạp (0.8%) và các loại hình khác (~ 0%).
+ Xây dựng thêm các trạm dừng xe buýt và lối đi bộ có trang bị máy lạnh, đối phó với nắng nóng trong các mùa nóng cao điểm từ tháng 4-7 (nhiệt độ từ 45 đến trên 50 độ C). Bố trí thêm lối đi bộ và đường dành cho xe đạp để giảm việc dùng ô tô cá nhân.
+ Tăng cường xây dựng các công trình, nhà ở, dịch vụ tiện ích (TOD) dọc tuyến và xung quanh nhà ga để đạt mục tiêu chỉ đi bộ trong bán kính 400m có thể đến nhà ga.






v Thành phố Amman (Jordan)
Thành phố Amman là thủ đô của Jordan, với diện tích khoảng 1,680 km2, dân số khoảng 4 triệu dân và dự kiến tăng lên 5 triệu dân vào năm 2025. Hiện tại, thành phố Amman vẫn chưa có các loại hình giao thông khối lượng lớn, các phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là các loại buýt (buýt lớn khoảng 485 xe, mini buýt (khoảng 202) và taxi (khoảng 3001 xe). Dịch vụ giao thông công cộng vẫn chưa được đầu tư bài bản, chất lượng còn kém, còn giới hạn về lượng xe, chưa an toàn cho phụ nữ và trẻ em… Chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân vận hành xe buýt nên không có quá nhiều trạm dừng trên đường, người dân tự do bắt xe trên tuyến buýt đi qua mà không có lịch trình cụ thể.
- Thách thức của thành phố: Từ đây đến năm 2025, chính quyền thành phố Amman cần thực hiện tái cơ cấu lại hệ thống giao thông công cộng; Tích hợp hệ thống giá vé và vé; Tích hợp lịch trình chạy xe; Tái thiết lập các tuyến buýt.
- Giải pháp thực hiện: Chính quyền thành phố Amman dự kiến sẽ mua lại các doanh nghiệp tư nhân vận hành các loại buýt lớn để đầu tư lại hệ thống buýt có kế hoạch và chiến lược thực hiện rõ ràng. Đồng thời, xây dựng hệ thống buýt nhanh BRT trên các tuyến chính, thiết lập hệ thống thanh toán tự động AFC để nâng cao chất lượng phục vụ và dễ dàng quản lý. Nâng cấp các dịch vụ buýt hiện hữu như gắn các bảng thông tin điện tử, bố trí thêm trạm dừng, trợ giá buýt, dầu tư mua xe mới hiện đại.




v Thành phố Chennai (Ấn Độ)
Thành phố Chennai là một trong 6 thành phố lớn nhất (1.189 km2) và trong 4 thành phố đông dân nhất (6.5 triệu dân) Ấn Độ. Hệ thống giao thông tại Chennai rất đa dạng, với lưu lượng hành khách chiếm: buýt (23%) và tàu điện (5%), xe đưa đón cỡ nhỏ (khoảng 9%, loại giống xe Lam của Việt Nam), xe 2 bánh (25%), xe hơi (6%), đi bộ (25%), xe đạp (6%).
Từ đây đến năm 2023, chính quyền thành phố Chennai dự kiến áp dụng các chính sách nhằm đẩy mạnh giao thông công cộng như: vận hành các phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện vào hệ thống, khuyến khích người dân giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường đi bộ hay xe đạp, tăng lưu lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông khối lượng lớn, nghiên cứu và đẩy mạnh đầu tư các dự án sử dụng năng lượng mặt trời, hoàn thiện chính chính sách giao thông đô thị. Hiện nay, thành phố Chennai chỉ đang vận hành 1 tuyến BRT, trong tương lai thành phố dự kiến xây dựng thêm 6 tuyến BRT kết nối với hệ thống giao thông công cộng hiện hữu.

- Thách thức của thành phố: thành phố Chennai đang đối mặt với một số thách thức như:
i) Hệ thống công nghệ thông tin vẫn chưa hoàn chỉnh;
ii) Còn giới hạn về việc liên thông hệ thống vé giữa đường sắt đô thị và buýt;
iii) Chưa đa dạng các loại hình giao thông công cộng.
- Giải pháp thực hiện: Đối với việc tích hợp hệ thống vé giao thông công cộng, thành phố Chennai đang có kế hoạch liên thông hệ thống vé metro và buýt thành 1 vé dùng chung, thay đổi vé loại C (Felica) đang sử dụng cho metro thành vé loại A (Mifare) bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng tái thiết Đức KfW, dự kiến triển khai trong 5 năm tới.
v Thành phố Bengaluru (Ấn Độ)
Hệ thống giao thông công cộng của thành phố Bengaluru gồm metro (2 tuyến, dài 42,3km, 41 nhà ga) các loại buýt (6.677 xe), xe lam và taxi. Từ năm 2016, thành phố đã đưa vào vận hành Hệ thống giao thông thông minh (ITS – Intelligent Transport System) bằng việc triển khai hệ thống kiểm soát qua GPS. Đồng thời, triển khai ứng dụng điện thoại thông minh trên nền tảng Android với 2 ngôn ngữ tiếng Anh và Kannada, cung cấp thông tin các tuyến buýt và trạm dừng. Mặt khác, trung tâm ITS có thể kiểm soát vị trí các xe buýt theo thời gian thực (thiết bị VTU – Vehicle Tracking Unit), truyền dữ liệu về trung tâm với tần suất mỗi 10 giây/lần, hỗ trợ nâng cấp phần mềm trực tuyến. Ngoài ra, trên xe buýt có bộ phận đàm thoại giữa lái xe và trung tâm, giúp cả hai có thể trao đổi khi trung tâm điều khiển cần truyền đạt thông tin tới tài xế. Máy soát vé điện tử (Electronic Ticketing Machine) cũng được trang bị trên xe, truyền dữ liệu vé về trung tâm mỗi 5 phút một lần, đặc biệt máy soát vé đã tích hợp sẵn công nghệ EMV không tiếp xúc để có thể dùng thẻ ngân hàng thanh toán xe buýt trong tương lai.
- Thách thức của thành phố:
i) Dự kiến năm 2020 thành phố sẽ đưa vào vận hành xe buýt điện và thông qua quy định về tiêu chuẩn phát thải BS6;
ii) Cố gắng duy trì không tăng lực lượng lao động, chỉ ở mức 36.000 người trở xuống vì đã có Hệ thống giao thông thông minh;
iii) Tái cấu trúc lại các tuyến metro và lịch trình chạy tàu để phục vụ tốt hơn;
iv) Làm thế nào để giảm ùn tắc giao thông, đưa vào dịch vụ vận chuyển hành khách đến nhà ga metro;
v) Triển khai hệ thống vé điện tử dùng chung;
vi) Phân làn dành riêng cho dịch vụ giao thông công cộng.
- Giải pháp thực hiện:
Đối với xe buýt, thành phố sẽ thay mới nếu xe đã đi được 85.000 km hay đã sử dụng 10 năm, các xe chạy bằng dầu diesel cũng sẽ được thay thế 30% vào năm 2021, 50% vào năm 2023 và 100% vào năm 2025. Việc sử dụng xe buýt điện giúp thành phố đảm bảo chất lượng cuộc sống hơn hiện nay, không có phát thải, giảm tiếng ồn 50%, giảm chi phí năng lượng khoảng 60% và giảm chi phí bảo trì;
v Thành phố Buenos Aires (Argentina)
Thành phố Buenos Aires có diện tích khoảng 200 km2, với dân số 3 triệu dân cư trú và 2,9 triệu dân tạm cư đến từ các thành phố khác. Hệ thống giao thông công cộng của thành phố gồm có buýt (57,5%), tàu điện ngầm (với 5 tuyến, chiếm 18%), taxi (4%), xe đạp (3,5%) và tàu lửa (1%) với 8 triệu lượt hành khách mỗi ngày. Hiện nay, mạng lưới giao thông công cộng khoảng 80 km và dự kiến kéo dài thêm 40 km trong tương lai. Thành phố có kế hoạch xây dựng thêm các lối đi dành cho xe đạp để thuận tiện việc tiếp cận nhà ga hay trạm dừng buýt.
- Thách thức của thành phố: Nạn quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng đang ngày càng báo động với hơn 90% nạn nhân bị quấy rối là phụ nữ, cụ thể 34% vụ đụng chạm cơ thể, 54% quấy rối tại trạm dừng.
- Giải pháp thực hiện: Thành phố dự kiến bố trí 16.000 camera an ninh trên 4.000 xe buýt (hình ảnh camera được lưu 30 ngày và cung cấp cho các đơn vị quản lý an ninh). Thời gian chạy xe được tăng cường độ chính xác hơn với ứng dụng hỗ trợ để giúp phụ nữ có thể dự đoán giờ đón xe, tránh chờ lâu tại trạm dừng. Dần đưa vị trí của người phụ nữ ngang bằng với đàn ông bằng việc chia sẻ thêm các công việc lái xe cho phụ nữ để nâng việc bình đẳng giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ phụ nữ trong xã hội
v Thành phố Addis Ababa (Ethiopia)
Thành phố Addis Ababa với diện tích 540 km2, dân số khoảng 5 triệu dân, là thủ đô của đất nước Ethiopia, cũng là thủ phủ kinh tế của Châu Phi. Giao thông công cộng của thành phố gồm buýt thông thường, buýt liên tỉnh, buýt tốc hành (sheger bus, với 38 tuyến, 240 xe), taxi, mini buýt và đường sắt nhẹ (2 tuyến dài 31.6 km, lưu lượng khoảng 200.000 lượt/ngày). Dự kiến thành phố sẽ triển khai 15 tuyến BRT phủ khắp mạng lưới giao thông công cộng, kết nối với hệ thống đường sắt nhẹ để tăng lưu lượng hành khách tiếp cận trung tâm thành phố.


- Thách thức của thành phố:
i) Kinh nghiệm quản lý dự án vẫn còn hạn chế nên thời gian thực hiện kéo dài;
ii) Thiếu kinh nghiệm thực hiện các dự án BRT;
iii) Khó khăn trong việc thu hồi đất và đền bù giải phóng mặt bằng;
iv) Vẫn còn thu thập dữ liệu giao thông bằng cơ chế thủ công
v) Chưa có quy định về giới hạn tuổi thọ xe cơ giới, xe cũ gây ô nhiễm môi trường;
vi) Sức ép về thiếu hụt tài chính;
vii) Thiếu sự liên thông, kết nối giữa các đơn vị vận hành và chính quyền thành phố, trung ương;
viii) Người dân vẫn chưa có ý thức trong việc sử dụng giao thông công cộng.
- Giải pháp thực hiện:
Đại diện của thành phố không đưa giải pháp dự kiến áp dụng và đề nghị được sự góp ý của các thành viên tham gia hội thảo. Một số các đại diện các thành phố khác đã tham gia góp ý cho vấn đề về kinh nghiệm quản lý dự án như sau: Cần phải có thể chế phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền thành phố và đơn vị quản lý dự án để có thể giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách; Học tập thêm kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế; Lưu ý đến khâu chuẩn bị dự án, cần hoạch định rõ ràng các bước để tránh phát sinh.
v Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)
Các thách thức mà thành phố sẽ gặp phải khi đưa tuyến đầu tiên đi vào hoạt động;
- Thách thức của thành phố:
i) Làm thế nào để khuyến khích người dân giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân để sử dụng giao thông công cộng, đặc biệt là metro;
ii) Khó khăn trong việc liên thông, kết nối hệ thống thu phí tự động của các tuyến do việc sử dụng các công nghệ vé thông minh khác nhau;
iii) Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ngập nước vào mùa mưa và đây sẽ là một trong những hiểm họa nếu triều cường và ngập nước tràn vào nhà ga ngầm;
- Giải pháp thực hiện:
i) Đối với việc khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng
+ Cần nâng cấp và tối ưu mạng lưới buýt hiện hữu với việc tăng số tuyến buýt để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân;
+ Phát triển và đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh, vì 1 tuyến metro sẽ không thể tạo được sự thuận tiện cho người dân mà đòi hỏi cả hệ thống với 8 tuyến metro, 3 tuyến đường sắt nhẹ. Đồng thời xây dựng 6 tuyến BRT kết nối toàn hệ thống giao thông.
+ Nâng cao chất lượng phục vụ, cải tiến công nghệ bằng việc sử dụng thẻ/vé thông minh
+ Áp dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý giao thông công cộng
ii) Đối với việc liên thông, kết nối hệ thống thu phí tự động
Trong tháng 3/2019, thành phố đã thực hiện dự án thí điểm thanh toán tự động cho hệ thống buýt do các đơn vị tư nhân đầu tư bằng việc sử dụng công nghệ thẻ thông minh, QR Code và công nghệ EMV không tiếp xúc (sử dụng thẻ ngân hàng thanh toán trong giao thông. Việc triển khai dự án thí điểm này nhằm tìm ra giải pháp thanh toán tiện lợi và có thể thu thập thông tin nhanh chóng, tiện lợi cho hệ thống buýt
Đồng thời, thành phố cũng có ý tưởng trong việc xây dựng quy chuẩn địa phương cho vé thông minh để có khung tiêu chuẩn hướng dẫn cho các đơn vị cung ứng thẻ/ vé thông minh trong tương lai.
iii) Đối với việc ngập nước có thể tràn vào nhà ga ngầm
Đơn vị thiết kế tuyến 1 đã có một số đề xuất cho việc ngăn nước tràn vào nhà ga và đường hầm khi có triều cường hay ngập úng như lắp đặt các tấm chắn nước ở các lối xuống nhà ga, trong nhà ga bố trí các cửa chắn nước lớn bằng kim loại, đường hầm cũng bố trí cửa chắn nước kim loại trước đường hầm và xây tường chắn nước hai bên đường ray khi chuyển tiếp từ đoạn cao xuống đoạn ngầm.


v Thành phố Curitiba (Brazil)
Ban Quản lý đô thị thành phố Curitiba được thành lập vào năm 1963 vơi trách nhiệm thực hiện công tác quản lý hệ thống giao thông công cộng, quản lý các khu thương mại và đất công của thành phố. Giao thông công cộng của thành phố gồm có BRT (6 tuyến, đạt 2,3 triệu lượt hành khách mỗi ngày), hệ thống buýt nhánh và taxi. Sự thành công của thành phố là đã khuyến khích được khoảng 75% dân số thành phố sử dụng hệ thống buýt đi làm mỗi ngày. Đây là một kết quả rất đáng tự hào của thành phố Curitiba khi đã vượt qua rất nhiều thành phố khác trên thế giới cho việc sử dụng giao thông công cộng của người dân.
- Thách thức của thành phố:
i) Tìm giải pháp cân bằng các hình thức giao thông công cộng;
ii) Cân bằng giữa chi phí đầu tư kỹ thuật với mức giá vé áp cho người dân;
iii) Thay mới xe kết hợp với việc thay đổi nguồn năng lượng cho xe;
iv) Chi phí cao cho việc lựa chọn các nguồn năng lượng như điện, khí đốt…
- Giải pháp thực hiện: Để giảm các chi phí vận hành hệ thống giao thông công cộng, thành phố đã chủ động cắt các chi phí mua xe bằng việc đấu thầu trực tiếp với nhà cung cấp; Cải tạo thiết kế xe tạo sự tiện nghi hơn cho người dân; Giảm phí xã hội hóa; Giảm các chỉ số ô nhiễm bằng các biện pháp cải tạo môi trường.
v Thành phố Auckland (New Zealand)
Mạng lưới giao thông công cộng của thành phố Auckland gồm có đường sắt đô thị (4 tuyến), hệ thống buýt (gồm buýt thông thường và 1 tuyến buýt nhanh) và buýt đường sông. Theo khảo sát, số lượng hành khách sử dụng xe buýt đã tăng khoảng 53% từ năm 2016 đến 2018. Trong đó, người dân sống trong khu vực bán kính 500m đến trạm tàu điện đã sử dụng phương tiện giao thông công cộng tăng hơn 163%.
- Thách thức của thành phố: Theo khảo sát, hành khách cho rằng buýt đường sông vẫn chưa có sự kết nối với hệ thống giao thông công cộng, khó khăn trong việc chuyển tiếp từ các phương tiện giao thông khác.
- Giải pháp thực hiện: Dự kiến khu vực trung tâm thành phố Auckland sẽ được nâng cấp để hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông công cộng, cụ thể kéo dài các tuyến đường sắt hiện hữu, tăng cường các điểm kết nối giao thông giúp buýt đường sông trở thành là một phần trong mạng lưới giao thông, tích hợp giá vé buýt thủy vào hệ thống vé tự động hiện đang sử dụng, v.v…
v Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha)
Thành phố Barcelona với diện tích khoảng 101,3 km2, dân số 1,6 triêu dân, mật độ dân cư 16.000 người/km2. Hệ thống giao thông của thành phố bao gồm giao thông công cộng (40%), khách bộ hành và xe đạp (35%) và phương tiện cá nhân (25%). Từ năm 2012, thành phố đã triển khai xây dựng một mạng lưới xe buýt mới để có thể kết nối các thành phố lân cận tốt hơn, thay thế hệ thống các tuyến cũ có tuổi thọ hơn trăm năm. Hệ thống mới vận hành theo mô hình tuyến chính và nhánh nhằm mục đích tránh trùng lắp các tuyến lên nhau, giúp tiết kiệm chi phí vận hành và bảo trì. Hệ thống mạng lưới buýt mới dễ sử dụng hơn, tăng tần suất hoạt động, ổn định và tăng tính kết nối.
- Thách thức của thành phố: Một số thách thức mà thành phố cần thực hiện như:
i) Điều chỉnh các tuyến buýt;
ii) Cải tạo nguồn nguyên liệu cho buýt;
iii) Thực hiện cải thiện kỹ thuật cho việc quản lý đèn giao thông;
iv) Tiếp nhận hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn mới;
v) Nâng cấp dịch vụ hiện tại.
- Giải pháp thực hiện:
Thành phố đã cải tạo trạm buýt theo mô hình 2 trạm buýt tại cùng địa điểm, chuyến buýt đầu sẽ đến và dừng lại tại trạm 1, chuyến buýt 2 sẽ đến và dừng lại tại trạm 2, trong khi đó chuyến buýt 1 có thể bắt đầu chuyến hành trình tiếp theo của mình. Hiện nay, hệ thống buýt có 98 tuyến, 2.541 trạm dừng và 191,22 km buýt khai thác. Việc triển khai mạng lưới mới đã giúp tăng lưu lượng hành khách từ 62.000 lượt lên 353.000 lượt.

v Thành phố Abidjan (Bờ Biển Ngà)
Hệ thống giao thông công cộng của thành phố Abidjan gồm có buýt thông thường (526 xe), buýt tốc hành (145 xe) và buýt đường thủy (26 tàu) được vận hành và quản lý bởi Công ty vận tải Abidjan (viết tắt là SOTRA). Tổng cộng có 68 tuyết buýt, 12 tuyến buýt nhanh và 3 tuyến buýt đường thủy. Từ năm 2000 đến năm 2012, lưu lượng hành khách luôn biến động và giảm đáng kể từ khoảng 750.000 lượt giảm còn 400.000 lượt.
- Thách thức của thành phố:
i) Thiếu cơ sở hạ tầng do chưa có đường dành riêng cho buýt nên việc vận hành buýt rất khó khăn vì thường xuyên kẹt xe;
ii) Giảm kích thước của buýt do vấn đề khó khăn về tài chính nên ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đi xuống;
iii) Hệ thống buýt thiếu tính cơ động nên chưa đáp ứng được nhu cầu người dân;
iv) Tăng tỉ lệ sở hữu xe hơi cá nhân cũng làm giảm lượng hành khách đáng kể;
- Giải pháp thực hiện: Dự kiến thành phố kêu gọi đầu tư dự án đường sắt đô thị theo hình thức BOT với chiều dài khoảng 38km nhằm giải quyết các vấn đề kẹt xe mà thành phố đang đối mặt, đồng thời nâng cấp hạ tần cơ sở để thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng.
Phan Hồng Quân - HURC1