ĐOÀN KẾT - KỶ CƯƠNG - KHẨN TRƯƠNG - AN TOÀN - HIỆU QUẢ                                                                                                                                                                     

 

video

The player will show in this paragraph

LIÊN KẾT WEB

chuyên mục khoa học - kỹ thuật - công nghệ
Tích hợp vận tải đa phương thức tại singapore, bài học cho hệ thống giao thông công cộng TPHCM

Singapore, một đảo quốc nhỏ bé với dân số khoảng 5,6 triệu dân, diện tích 721,5 km2 bằng khoảng 1 phần 3 diện tích thành phố Hồ Chí Minh, không có tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào Malaysia, vừa được The World Economic Forum bình chọn là nền kinh tế cạnh tranh thứ 2 thế giới sau Mỹ trong năm 2018 trong đó hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đẳng cấp thế giới của Singapore đóng vai trò nổi bật trong thành tích ấn tượng này. Ngày nay, Singapore đã phát triển mạng lưới MRT dài 229 km và sẽ mở rộng tới 360 km trước năm 2030. Hệ thống xe buýt hùng hậu với đội xe gồm 5800 xe vừa là phương tiện kết nối mang hành khách cho các tuyến MRT vừa phục vụ dịch vụ vận tải công cộng với nhiều mục đích khác nhau. Người dân Singapore có thể tiếp cận các nhà ga MRT hoặc trạm xe buýt trong vòng 10 phút đi bộ với tỉ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong giờ cao điểm lên tới 67%. Mức độ hài lòng của hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng đạt 7.9/10 vào năm 2018 cho thấy tỉ lệ hài lòng của người dân Singapore khá cao với dịch vụ giao thông công cộng.

Để mang lại cho người dân Singapore hệ thống giao thông công cộng đẳng cấp thế giới, ngay từ khi thành lập, Chính phủ Singapore đã nhận thức việc tích hợp giao thông với quy hoạch sử dụng đất nhằm tối ưu hóa giá trị quỹ đất hạn hẹp kết hợp phát triển các dịch vụ đi kèm như trung tâm thương mại, nhà ở có mật độ cao xung quanh các nhà ga MRT, tạo điều kiện cho hành khách tiếp cận một cách thuận lợi hệ thống giao thông công cộng và các tiện ích xung quanh như mua sắm, ăn uống, văn phòng, v.v đồng thời mang lại doanh thu cho các tuyến MRT. Các đô thị vệ tinh cũng được tạo ra để giảm mật độ cho khu trung tâm nhưng vẫn đảm bảo các tiện nghi và tiện ích cho cư dân tại các khu đô thị này nhờ vào hệ thống giao thông công cộng thuận tiện trong đó hệ thống MRT đóng vai trò then chốt.

Đến với Singapore, du khách chỉ cần mua một thẻ EZ-link là có thể di chuyển trên tất cả hệ thống xe buýt và MRT cũng như có thể sử dụng thanh toán dịch vụ tại rất nhiều điểm chấp nhận thẻ. Giá vé được tính trên cự ly thực tế di chuyển nên du khách có thể thoải mái chuyển đổi qua lại giữa các phương tiện giao thông công cộng mà không bị tính thêm phí cố định khi lên xe. Singapore đã áp dụng giá vé dựa trên cự ly từ năm 2010 qua hệ thống thẻ thông minh đồng nhất cho tất cả các nhà khai thác phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Tại Singapore, tất cả các vấn đề liên quan tới giao thông đều do Cơ quan Quản lý Giao thông Đất đai Singapore (LTA) chịu trách nhiệm. Cơ chế này tạo điều kiện cho LTA chủ động từ khâu quy hoạch, lập chính sách, thực thi chính sách, quản lý các nhà vận hành khai thác vận tải công cộng, giải quyết hoặc đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện lên Chính phủ nếu trở ngại về pháp lý. Các nhà vận hành khai thác vận tải công cộng tại Singapore chịu trách nhiệm vận hành bao gồm cả các tuyến MRT và xe buýt được LTA quy định về chất lượng dịch vụ và phương tiện cung cấp. Dịch vụ giao thông công cộng chất lượng cao, an toàn, sạch sẽ và đúng giờ được LTA đặt ra đối với mọi nhà vận hành khai thác vận tải hành khách công cộng. Mọi vi phạm sẽ có hình thức chế tài cụ thể hoặc không được tiếp tục cấp giấy phép khai thác sau khi hết thời hạn được cấp.

Integrated public transport - Giao thông công cộng tích hợp

Có thể nhận thấy rằng Chính phủ Singapore đã rất quyết tâm biến Singapore thành một quốc đảo xanh, sạch và giảm ùn tắc giao thông bằng các chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đồng thời với việc cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng nhằm khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng. Thành tựu này có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ Singapore trong việc xây dựng thể chế tích hợp giao một cơ quan có đủ thẩm quyền và chức năng như LTA chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu đề ra qua một đạo luật riêng cho LTA. Cơ chế hướng tới trao quyền chủ động cho LTA trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó một số các cơ quan có chức năng trùng lắp được cơ cấu lại và tích hợp vào thành một bộ phận thuộc LTA. Việc này hạn chế việc đùn đẩy trách nhiệm và mất thời gian hỏi ý kiến các bên liên quan. Khó khăn vướng mắc cũng được các Bộ ngành liên quan của Singapore giải quyết tức thời với quyết tâm chính trị cao từ Chính phủ.

Nhìn lại tình trạng giao thông thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trong nhiều năm qua, ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra nhưng vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Thị phần giao thông công cộng chưa được cải thiện trong gần cả thập kỷ. Tuyến metro số 1 được kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào ùn tắc giao thông vẫn chưa hoàn thành và dự kiến cuối năm 2021 mới đưa vào khai thác thương mại. Trong bối cảnh giao thông cá nhân tại TPHCM tăng cao gây ùn tắc dẫn đến ô nhiễm khói bụi, kẹt xe, tai nạn giao thông, TPHCM cần có lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhưng phải nâng cao hệ thống giao thông công cộng cả về chất lẫn về lượng để đáp ứng nhu cầu đi lại cao của người dân thành phố.

Bài học từ Singapore cho thấy việc xây dựng mô hình thể chế phù hợp để thực hiện mục tiêu tăng thị phần giao thông công cộng đóng vai trò hết sức quan trọng. TPHCM cần nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm một đơn vị vừa có chức năng thực hiện các dự án về giao thông công cộng nhằm nâng cao tính kết nối và hiệu quả trong khai thác, vừa đóng vai trò tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Để có được một hệ thống giao thông công cộng tương xứng với mô hình đô thị thông minh, ngoài các ứng dụng công nghệ như hệ thống giao thông thông minh (ITS), Trí tuệ nhân tạo (AI), việc tích hợp các phương tiện vận tải khối lượng lớn như hệ thống metro với xe buýt và các phương tiện khác là cần thiết để tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn giúp hành khách đi lại thuận tiện. Một hệ thống vé chung cho cả metro và xe buýt cần được thiết lập để giảm thiểu chi phí cho các nhà khai thác và hành khách sử dụng. Thành phố sẽ hướng tới mục tiêu cung cấp cho người dân hệ thống giao thông công cộng an toàn, tiện lợi, đúng giờ, và sạch sẽ để từ đó hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân, hạn chế sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân như hiện nay.

Theo báo Sài gòn Giải phóng, trong chuyến thăm và làm việc với Chính phủ Singapore cuối tháng 8 năm 2019 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành Ủy TPHCM đã làm việc với ông Baey Yam Keng, Thứ trưởng Chính vụ Singapore, tại LTA với mục đích mong muốn trao đổi kinh nghiệm quy hoạch và quản lý giao thông của Singapore, kinh nghiệm quản lý nhu cầu giao thông cá nhân gắn với quy hoạch phát triển đô thị, hợp tác với LTA nhằm hỗ trợ TPHCM về quản lý và vận hành trung tâm điều hành giao thông thông minh cũng như khả năng về đào tạo nhân lực. Hy vọng trong thời gian tới, với sự hợp tác tích cực của hai bên, TPHCM sẽ có những bước chuyển vượt bậc trong phát triển giao thông công cộng, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong phạm vi toàn thành phố.

Phạm Quốc Trung – Phó Trưởng phòng Kế hoạch Hợp đồng - Thạc sĩ Quản lý Công, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu và Harvard Kennedy.

 

*HDB flats - Căn hộ HDB

*Clementi mall - Trung tâm thương mại Clementi

*Clementi MRT station - Trạm tàu điện ngầm Clementi

*Clementi Bus interchange - Nút giao thông Clementi

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Xem tin theo ngày
Ngày