Điều 1. Ban Quản lý Đường sắt đô thị (gọi tắt là Ban) là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư về quản lý đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị của Thành phố.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức của Ban
1. Lãnh đạo Ban gồm Trưởng ban và các Phó Trưởng ban.
2. Các phòng chuyên môn và các ban quản lý dự án: Văn phòng, phòng Tổ chức và Đào tạo, phòng Tài chính - Kế toán, phòng Kế hoạch – Hợp đồng, phòng Kỹ thuật – Đấu thầu, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án 1), Ban Quản lý Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Tham Lương (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án 2), Ban Chuẩn bị đầu tư. Theo yêu cầu công việc, Trưởng ban quyết định thành lập, giải thể, xác định tên gọi và giao chức năng cho các phòng chuyên môn và các ban quản lý dự án của Ban.
3. Các Hội đồng, Tổ được thành lập, hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ công tác và theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 3. Nguyên tắc và quan hệ làm việc của Ban
1. Nguyên tắc làm việc
a) Ban làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trưởng ban là người đứng đầu đơn vị, chỉ đạo và quản lý điều hành mọi hoạt động của đơn vị; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban.
Trường hợp Trưởng ban vắng mặt, Phó Trưởng ban thay mặt Trưởng ban điều hành công việc chung của đơn vị; đối với công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng ban, phải có văn bản ủy quyền cụ thể của Trưởng ban.
b) Phó Trưởng ban là người giúp việc Trưởng ban, được Trưởng ban phân công phụ trách một số công tác, trực tiếp chỉ đạo một hoặc một số phòng, ban trực thuộc; quyết định các vấn đề thuộc phần việc được phân công phụ trách và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, trước pháp luật về các quyết định trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Trường hợp công việc có liên quan tới nhiệm vụ của Phó Trưởng ban khác thì phải chủ động trao đổi để thống nhất giải quyết.
c) Trưởng ban quyết định những công việc thuộc phạm vi giải quyết của các Phó Trưởng ban trong các trường hợp:
- Khi cần giải quyết gấp công việc theo lĩnh vực mà Phó Trưởng ban phụ trách đi vắng.
- Khi giữa các Phó Trưởng ban có ý kiến khác nhau.
- Khi Phó Trưởng ban giải quyết công việc chưa đúng với chủ trương và ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban.
d) Mỗi phòng, ban có Trưởng phòng hay Giám đốc Ban quản lý dự án (sau đây gọi tắt là cấp trưởng) và một số Phó Trưởng phòng hay Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (sau đây gọi tắt là cấp phó) do Trưởng ban bổ nhiệm, miễn nhiệm theo phân cấp quản lý viên chức.
Phòng, ban làm việc theo chế độ thủ trưởng; cấp trưởng phụ trách, điều hành tất cả các hoạt động của phòng, ban và phụ trách những công tác trọng tâm. Cấp phó phụ trách những lĩnh vực công tác được cấp trưởng phân công, trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh khi cấp trưởng vắng mặt hoặc khi được lãnh đạo Ban trực tiếp giao nhiệm vụ, sau đó phải báo cáo lại cho cấp trưởng biết. Cấp trưởng, cấp phó (khi được phân công) có trách nhiệm ký tắt vào văn bản do phòng, ban tham mưu trình lãnh đạo Ban.
Cấp trưởng các phòng, ban chịu trách nhiệm xây dựng quy định tổ chức hoạt động của đơn vị mình trình Trưởng ban xem xét, phê duyệt; phân công nhiệm vụ cho viên chức và người lao động tại đơn vị mình phụ trách, kịp thời rà soát điều chỉnh khi có thay đổi; chịu trách nhiệm tổ chức họp định kỳ để kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ được giao của phòng, ban; chủ động đề xuất áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
e) Viên chức và người lao động các phòng, ban chịu sự quản lý điều hành trực tiếp của cấp trưởng phòng, ban. Viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ theo phân công và có trách nhiệm tuân thủ nội quy, quy định hiện hành.
2. Quan hệ làm việc.
2.1. Đối với lãnh đạo Ban:
Phòng, ban chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của lãnh đạo Ban về toàn bộ công tác chuyên môn nghiệp vụ. Cấp trưởng trực tiếp nhận chỉ đạo và nội dung công tác từ Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban phụ trách phòng, ban; phải báo cáo với lãnh đạo Ban phụ trách phòng, ban mình về những mặt công tác đã được phân công.
2.2. Đối với Bộ - ngành Trung ương và các sở - ngành Thành phố:
Phòng, ban chịu sự hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan của Bộ - ngành Trung ương và các sở - ngành Thành phố, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo công tác chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ - ngành Trung ương và các sở - ngành Thành phố.
2.3. Đối với các phòng, ban chuyên môn trực thuộc:
a) Thực hiện mối quan hệ hợp tác và phối hợp trên cơ sở bình đẳng, để thực hiện chức năng theo quy định, dưới sự điều hành chung của lãnh đạo Ban, nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch công tác.
b) Đối với phòng, ban được giao chủ trì: Khi thực hiện công việc có liên quan đến nhiệm vụ nhiều phòng, ban, phòng, ban được phân công chủ trì chủ động phối hợp, trao đổi ý kiến (bằng văn bản hoặc tổ chức trao đổi) về các vấn đề có liên quan đến các phòng, ban khác và cung cấp đầy đủ hồ sơ có liên quan. Đảm bảo hồ sơ trình lãnh đạo Ban phải có chính kiến của phòng, ban chủ trì và ý kiến của phòng, ban phối hợp; báo cáo việc tiếp thu hoặc giải trình lý do không tiếp thu trong nội dung trình. Trường hợp chưa có ý kiến thống nhất, phòng, ban chủ trì báo cáo lãnh đạo Ban xem xét quyết định.
Đối với phòng, ban phối hợp: Phải chủ động nghiên cứu, có ý kiến phản hồi đơn vị chủ trì cụ thể, rõ ràng (bằng văn bản hay ý kiến phát biểu); đảm bảo thời hạn trả lời được nêu trong văn bản đề nghị, nếu văn bản đề nghị không quy định thời hạn thì thực hiện trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ có liên quan; không chờ chỉ đạo từ lãnh đạo Ban. Trường hợp cần thời gian nghiên cứu thêm thì phải thông báo cho đơn vị chủ trì hoặc báo cáo lãnh đạo Ban. Quá thời hạn lấy ý kiến mà phòng, ban phối hợp không trả lời thì xem như đồng ý với ý kiến đơn vị chủ trì và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham mưu của phòng, ban mình phụ trách. Nếu để chậm trễ, ảnh hưởng đến công việc của Ban thì cấp trưởng các phòng, ban phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó.
2.4. Đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan:
a) Thực hiện mối quan hệ hợp tác và phối hợp trên cơ sở bình đẳng, để thực hiện chức năng theo quy định, dưới sự điều hành chung của lãnh đạo Ban, nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chương trình, kế hoạch công tác của Ban.
b) Cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết theo quy định (nếu có).
c) Khi có yêu cầu, kiến nghị các vấn đề thuộc chức năng của phòng, ban; cấp trưởng có trách nhiệm trình bày, giải quyết hoặc trình lãnh đạo Ban giải quyết các yêu cầu đó theo thẩm quyền.